Published on

Working From Home

Authors

Gần đây khi tình hình dịch cúm Covid vẫn chưa có hồi kết thì phong trào và xu hướng làm việc ở nhà thật sự được cân nhắc nghiêm túc và ở hầu hết các thời điểm đó là lựa chọn bắt buộc. Cũng như những công ty khác, Fossil nhiều lần cân nhắc thay đổi mô hình làm việc hiện tại và tương lai.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có nên chuyển đổi qua xu hướng này. Đôi khi mình gọi là trào lưu vì cũng nhiều nơi áp dụng mà thiếu phân tích đầy đủ.

Cá nhân mình cũng chưa để tâm quá nhiều vì bây giờ dù muốn cũng rất khó để mọi người cùng lên văn phòng. Cho đến lúc có một câu hỏi từ một đồng đội “anh Phương, công ty của bạn em chuyển đổi làm việc ở nhà hết vì công việc được chia và giao từ Project Manager, miễn làm xong thì thôi cho dù ở công ty hay ở nhà. Vậy theo anh khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình này là gì?“

Thật là bối rối bởi vì mình có một số suy nghĩ nhưng chưa từng sắp xếp để trả lời một cách mạch lạc. Trong phạm vi bài chia sẻ này mình cố gắng viết theo một cách có cấu trúc hơn. Mình sẽ phân tích lợi ích và rủi ro khi làm việc ở nhà, nó sẽ tạo thuận lợi cho các giải pháp sau này áp dụng rộng rãi cho toàn công ty.

Với tư cách là người quản lý một nhóm nhỏ khoảng 20 người ở Fossil Việt Nam, mình nghĩ rằng sẽ có những điểm lợi và những điểm hại



Những điểm lợi

  • Không tốn thời gian di chuyển từ nhà đi đến công ty, do phải làm với nước ngoài mà cụ thể là Mỹ nên nhiều khi tụi mình có những cuộc họp vào sáng sớm và chiều tối. Sẽ hơi khó sắp xếp các việc cá nhân rồi chạy xe đi làm, đến công ty thì cũng khá trễ, nhất là đối với ai nhà ở xa.

  • Linh hoạt với thời khóa biểu cá nhân. Có người thì làm nhiều và hiệu quả buổi sáng, có người thì nấu nướng buổi chiều, có người thì tập thể dục lúc giữa trưa. Lịch mỗi cá nhân vô cùng đa dạng nên làm ở nhà thì khả năng cân chỉnh sẽ dễ dàng hơn nhiều.



Những rủi ro về mặt tổ chức

  • Giảm hiệu quả công việc một cách trực tiếp. Khi làm việc ở nhà, nếu bạn muốn thảo luận về một vấn đề nào đó với một người, đầu tiên bạn phải chat trước xem người đó có sẵn sàng không, sau đó chờ đến khi có phản hồi rồi sẽ tạo một cuộc gọi nhanh. Thử nghĩ xem khi bạn diễn đạt trực tiếp với người đối diện với đầy đủ ngôn ngữ hình thể, đầy đủ công cụ như viết giấy bảng, nó nhanh hơn và hiệu quả như thế nào so với việc họp trực tuyến. Fossil chưa thống kê nào về chi phí tiềm ẩn này, một điều dễ bị xem là “trở ngại nho nhỏ”.

  • Mọi người sẽ có khuynh hướng làm việc chỉ dừng lại mức công việc. Do không có quá nhiều cơ hội để tìm hiểu đồng nghiệp ở những khía cạnh khác ngoài công việc, vấn đề gắn kết sẽ vô cùng khó khăn và vô cùng gượng gạo nếu mình cố làm. Khi mà anh em chỉ làm vì công việc thì anh em cũng chỉ cần nhìn vào lương bởi vì làm công ty nào thì cũng chỉ làm dự án không hơn không kém. Phần con người là phần được chú trọng nhất trong nhóm mình, nên nếu thiếu phần gắn kết thì xem như mình đã thua trước khi trận đấu bắt đầu.



Những rủi ro về mặt cá nhân

  • Cân bằng trong cuộc sống. Đối với nhóm mình một vài bạn làm việc quên giờ giấc khi cố gắng làm cho xong một yêu cầu công việc nào đó. Khi xung quanh mình không có nhóm hay những hoạt động chung lúc sáng sớm hay chiều tối, thì nếu không để ý rất dễ quên mất nhịp sinh học, thời khóa biểu trong sinh hoạt.

  • Lợi dụng sự lỏng lẻo về quản lý, đã từng xảy ra với nhóm mình nhưng không nhiều. Nhiều người hay nói quản lý trên công việc, không nên quản lý trên thời gian. Điều này không sai nhưng chưa đủ, khi nghe câu này mình có suy nghĩ liệu người quản lý nói câu này liệu có trải nghiệm đầy đủ và có khả năng đánh giá mỗi người trên công việc hay không. Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Chưa kể chuyện nếu làm chưa đạt thì sẽ làm những bước nào kế tiếp để vực dậy tinh thần anh em đó.



Tóm lại tùy công ty hoặc tùy nhóm đang tìm kiếm thứ gì và có thể chấp nhận rủi ro gì thì chọn giải pháp phù hợp, có thể là một thứ gì ở giữa 2 mô hình.

Ở Mỹ và các nước tư bản mô hình này rất phổ biến, nhưng mình nghĩ ở nơi đó khi một kỹ sư lập trình nghỉ làm thì có cả ngàn hồ sơ khác sẫn sàng nhảy vào, công ty có thể thực dụng hơn với bài toán nhân sự của mình. Tuy nhiên với các công ty lớn và nhân sự là tài sản thật sự thì có thể khác.

Bài viết chỉ là quan điểm cá nhân có đúng có sai, và có thứ gây tranh cãi. Mong nhận được nhiều suy nghĩ phân tích ở những góc nhìn đa chiều khác.